Biện pháp bảo quản khoai sọ Mán

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, từ lâu, Vân Hồ được biết đến là địa phương có nhiều đặc sản mang tính chất vùng miền, tiêu biểu như: Mận hậu Sao Đỏ, quýt Chiềng Yên, gạo tẻ nương, nếp cẩm... Sản phẩm khoai sọ Mán của dân tộc Dao cũng được xem là đặc sản riêng của vùng đất này. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần bảo tồn và phát triển giống khoai sọ Mán tại huyện Vân Hồ, cũng như xây dựng vùng sản xuất khoai sọ tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách, năm 2017, thạc sĩ Vũ Minh Toàn cùng nhóm nghiên cứu Trường Cao đẳng Sơn La đã thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống khoai sọ mán theo hướng sản xuất hàng hóa” tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

                                       

Thạc sỹ Vũ Minh Toàn, Chủ nhiệm đề tài, hướng dẫn người dân bảo quản khoai sọ Mán tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ (Vân Hồ).

             

Từ lâu, khoai sọ Mán đã được người dân huyện Vân Hồ trồng theo phương pháp truyền thống. Loại khoai này thường được bà con trồng vào khoảng tháng Giêng và thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11. Khoai sọ mán có ruột màu vàng, thịt củ khi nấu chín bở, dẻo, thơm, bùi ngậy, ngọt và đậm vị. Năng suất bình quân từ 6-13 tấn/ha. Cây trồng này đạt hiệu quả gấp 2-3 lần so với cây ngô, cây lúa. Tuy nhiên, nhược điểm của giống khoai này là không để được lâu, dễ bị thối củ, giảm độ ngon. Ông Đỗ Đức Hưng, nguyên Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Trước đây, bà con trồng khoai sọ mán thay thế diện tích đất trồng cây lương thực, chưa chú trọng đến việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất; khâu bảo quản chủ yếu áp dụng theo phương pháp tự nhiên, đó là sau khi thu hoạch để tại đồng ruộng, tại bếp, kho... nên tỷ lệ hỏng rất cao, vì vậy việc triển khai nghiên cứu đề tài bảo tồn giống khoai đặc sản địa phương là rất cần thiết, có ý nghĩa đối với nâng cao giá trị kinh tế cho người dân trong huyện.

             

Với quy mô nghiên cứu 5.000 m² tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, quá trình triển khai đề tài, nhóm đã nghiên cứu kỹ thuật nâng cao hệ số nhân giống và xây dựng mô hình lưu giữ, nhân giống khoai sọ mán; nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh hại; xây dựng mô hình sản xuất khoai sọ mán theo hướng VietGAP; các biện pháp bảo quản sau thu hoạch quy mô hộ gia đình; tổ chức các hội thảo khoa học, đầu bờ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, bảo quản khoai sọ Mán cho nông dân và cán bộ khuyến nông xã... từ đó, đưa ra các biện pháp kỹ thuật tổng hợp thông qua hệ thống thí nghiệm về phương thức nhân giống, kỹ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh hại, thu hoạch và bảo quản củ khoai...

             

Thạc sỹ Vũ Minh Toàn, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Chúng tôi đã thí nghiệm 6 công thức bảo quản củ giống để tìm ra phương thức bảo quản kín trong hầm đất và sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma spp trong bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế tối đa quá trình hô hấp của củ. Hầm bảo quản có nhiệt độ ổn định giao động từ 2-10°C, vì vậy củ khoai thương phẩm sẽ được bảo quản trong thời gian tối đa đến 110 ngày, tỉ lệ đạt khoảng 72%,  giúp bà con có phương án và chủ động trong các vụ trồng.

             

Sau kết quả thí nghiệm năm 2018, từ tháng 1 đến tháng 11/2019, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai mô hình trình diễn và xây dựng chứng nhận sản phẩm khoai sọ mán, với 1.400 m². Trên cơ sở xây dựng mô hình, Trường Cao đẳng Sơn La đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai các nội dung: Phân tích mẫu đất, mẫu nước vùng trồng và triển khai thí nghiệm, mẫu sản phẩm khoai sọ mán... làm cơ sở để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Mô hình cho năng suất trên 11 tấn/ha. Ông Bàn Văn Liềm, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, cho biết: Bà con trồng khoai sọ mán từ lâu đời, qua quá trình canh tác đất bị cạn kiệt nguồn dinh dưỡng, nên cây khoai bắt đầu nhỏ đi, sâu bệnh nhiều. Sau khi đề tài nghiên cứu, hướng dẫn bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật, qua vụ thu hoạch cho thấy chất lượng củ không thối, năng suất tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. 

             

Cùng với việc tìm ra phương pháp kéo dài thời gian bảo quản củ khoai thương phẩm, nhóm thực hiện đề tài còn hướng dẫn người dân trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng khoai sọ mán. Từ đó, giá thành cũng được nâng lên đáng kể, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cây khoai sọ mán đang là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

             

Hiện nay, việc trồng, sản xuất khoai sọ Mán tại HTX Rau an toàn Vân Hồ đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đặc biệt đã có tem, nhãn để nhận diện và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đây là cơ hội để người dân mở rộng diện tích giống khoai sọ Mán trên đất Vân Hồ trong thời gian tới, qua đó góp phần bảo tồn và gìn giữ giống khoai sọ Mán bản  địa của địa phương.             

Bích Đào (Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới