Bất cập trong duy trì mạng lưới y tế bản ở Sốp Cộp

Trong chuyến công tác về các xã vùng cao, biên giới của huyện Sốp Cộp, chúng tôi được những cán bộ y tế ở đây chia sẻ những khó khăn trong việc duy trì hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nhất là khi có những thay đổi về chế độ, phụ cấp, dẫn đến việc nhiều nhân viên y tế bản xin thôi không đảm nhiệm chức danh này. Tình trạng đó đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, theo dõi dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

Nhân viên y tế bản Pánh, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

 

Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, vượt chặng đường hơn 60 km qua nhiều đèo dốc quanh co, chúng tôi tới xã vùng cao biên giới Mường Lèo. Giữa trưa, gặp y sỹ Lèo Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã đang vội vàng chuẩn bị tư trang lên đường tới một số bản. Hỏi chuyện mới biết, từ đầu tháng 2 đến nay, toàn bộ 13 nhân viên y tế bản trên địa bàn đều có nguyện vọng xin thôi đảm nhiệm chức danh này, nên các cán bộ, nhân viên y tế của Trạm phải tăng cường xuống các bản để nắm tình hình và thực hiện những công việc của y tế bản.

Trao đổi với Trạm trưởng Lèo Văn Hùng, chúng tôi được biết nguyên nhân hầu hết y tế bản đều xin ngừng hoạt động với lý do chế độ bồi dưỡng cho họ hiện nay quá thấp, thậm chí không đủ trang trải tiền xăng xe. Từ năm 2017 đến hết năm 2019, chế độ, chính sách của nhân viên y tế bản thực hiện theo Nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, chức danh nhân viên y tế bản được hưởng từ 0,3% đến 0,5% mức lương cơ sở/tháng (khoảng 600-700 nghìn đồng). Tuy số tiền không lớn, nhưng cũng có thể bù đắp được một phần chi phí đi lại, công sức khi họ tham gia hoạt động. Bắt đầu từ 1/1/2020, theo Nghị quyết 120/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, chức danh nhân viên y tế bản không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng, mà sẽ nhận bồi dưỡng với mức trả không quá 30.000 đồng/người/buổi, mức bồi dưỡng này sẽ được cân đối, thảo luận, chi trả sao cho không vượt quá kinh phí hoạt động trong năm của mỗi bản.

Chúng tôi cùng Trạm trưởng tới một số bản, mới thấu hiểu phần nào công việc, sự vất vả của đội ngũ y tế bản nói riêng và các cán bộ y tế nơi vùng cao biên giới này. Mường Lèo có 13 bản nằm rải rác, đi lại rất khó khăn, đường đến các bản đều là đường đất, nhiều dốc hiểm trở, bản xa nhất cách trung tâm xã đến 27 km. Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều nơi vẫn còn những hủ tục lạc hậu và thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe... Ông Hùng khẳng định: Nếu không có đội ngũ y tế bản, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi y tế bản còn hoạt động, ngoài trường hợp đột xuất, cán bộ Trạm chỉ cần xuống cơ sở mỗi tháng từ 2 đến 3 lần để phối hợp kiểm tra, quản lý tình hình dịch bệnh. Chỉ sau 2 tháng các nhân viên y tế bản nghỉ, không có người theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe người dân ở các bản, nhất là số người sinh, người mất, phụ nữ mang thai, trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng... để lập danh sách và báo cáo với Trạm y tế xã quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc. Không có y tế bản đồng nghĩa với việc không có người phụ trách túi thuốc y tế bản, sẽ rất khó khăn cho bà con mỗi khi có bệnh cần dùng thuốc, nhất là ở những bản ở xa để lên được trung tâm xã phải đi mất nửa ngày đường. Y tế bản cũng là những người cần mẫn băng rừng, lội suối để đến từng nhà thuyết phục người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị thay vì “cúng ma trừ bệnh”; vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; vận động phụ nữ có thai đi khám thai, phát hiện các trường hợp phụ nữ mang thai hay trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm, kịp thời sơ cứu và chuyển tuyến trên... Hàng chục năm qua, nhờ có đội ngũ y tế bản, nhiều hủ tục nơi đây dần được thay thế bằng kiến thức chăm sóc sức khỏe khoa học.

Để tìm hiểu thêm về những bất cập trong việc duy trì hoạt động của nhân viên y tế bản, chúng tôi quay trở lại xã Púng Bánh. Tại Trạm y tế xã, cán bộ, nhân viên cũng đang trăn trở tìm phương án để khắc phục tình trạng một số bản không còn nhân viên y tế hoạt động. Sau khi Trạm thông báo tới nhân viên y tế các bản về chính sách mới, nhận thấy chế độ bồi dưỡng không đáp ứng được công việc, đến nay đã có 5/13 nhân viên y tế bản đã xin thôi đảm nhiệm chức danh này. Hiện tại, các cán bộ Trạm y tế xã đang tiếp tục động viên, làm công tác tư tưởng với đội ngũ y tế bản, sớm mong nhận được sự phối hợp của họ trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân các bản nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh. Nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đội ngũ y tế bản là người phối hợp quản lý, nắm bắt thông tin người ra vào bản, người từ nơi khác đến, từ vùng dịch về để theo dõi, cách ly.

Đến bản Pánh, chúng tôi tìm chị Lường Thị Soạn, một trong số 8 nhân viên y tế bản của xã đang còn hoạt động. Không khó để tìm được nhà chị Soạn, bởi lâu nay, ngôi nhà sàn đơn sơ của gia đình chị đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con trong bản mỗi khi có người đau ốm. Theo chia sẻ của nhiều người dân ở bản Pánh, không kể ngày nghỉ, lễ, tết hay đêm hôm, chỉ cần bà con trong bản gọi điện thoại nhờ tới sự giúp đỡ là chị Soạn đều có mặt kịp thời. Những lúc có trường hợp nghiêm trọng, chị Soạn cùng gia đình người bệnh đưa họ đến Trạm Y tế xã, thậm chí đưa lên Bệnh viện đa khoa huyện để khám và điều trị. Chị Soạn tâm sự: Nếu không yêu nghề, không vì bà con thì tôi khó gắn bó cho đến bây giờ, bởi chế độ phụ cấp cho y tế bản rất thấp. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi không còn được nhận phụ cấp hằng tháng nữa, mà thay vào đó chỉ là tiền bồi dưỡng, nhưng bản thân tôi cũng không biết khi nào sẽ được nhận tiền bồi dưỡng, vì theo quy định mới, phải đợi Trưởng bản, Bí thư chi bộ và trưởng các tổ chức đoàn thể chấm công số buổi tham gia hoạt động, đồng thời cân đối trong kinh phí của bản hằng năm rồi mới được nhận tiền. Nếu như vậy, những người đảm nhiệm chức danh nhân viên y tế bản như chúng tôi không có nguồn thu nhập thường xuyên để bù đắp chi phí hoạt động và để trang trải cuộc sống.

Vấn đề duy trì mạng lưới y tế bản trong tình hình hiện tại cũng đang được ngành Y tế huyện Sốp Cộp đặc biệt quan tâm. Ông Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Theo thống kê, toàn huyện có 106 nhân viên y tế bản hoạt động tại 8 xã trên địa bàn. Mạng lưới nhân viên y tế bản được xem là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, mang các thông tin, chính sách y tế đến bà con; giúp người dân địa phương tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế. Công việc của đội ngũ y tế bản rất vất vả và nhiều áp lực, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, nơi mà điều kiện sinh sống, tập tục sinh hoạt, kiến thức chăm sóc bảo vệ chăm sức khỏe của nhân dân còn hạn chế. Trước tình hình nhiều nhân viên y tế bản tại các xã trên địa bàn đang xin thôi đảm nhiệm chức danh, chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét, có chính sách phù hợp với đặc thù công việc của nhân viên y tế bản, bổ sung những quy định chi tiết, rõ ràng về mức bồi dưỡng cho nhân viên y tế bản, bảo đảm cho họ có thu nhập thường xuyên, yên tâm gắn bó với công việc.

Thực tế cho thấy, việc chi trả phụ cấp, chế độ bồi dưỡng tương xứng, phù hợp với công sức, tính chất công việc của đội ngũ nhân viên y tế bản là rất cần thiết. Có như vậy, ngành Y tế huyện Sốp Cộp mới có thể khắc phục khó khăn, xây dựng, củng cố và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò của những “cánh tay nối dài” trong ngành Y tế.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới