Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc

Tỉnh ta có 12 dân tộc cùng sinh sống, với nhiều nét văn hóa bản sắc riêng, bởi vậy nghề truyền thống của các dân tộc cũng đa dạng. Mỗi dân tộc đều có ít hoặc nhiều nghề truyền thống, với trình độ và quy mô khác nhau, phản ánh kỹ thuật sản xuất, tư duy thẩm mỹ và sự sáng tạo của mỗi tộc người trong quá trình thích nghi với môi trường sống tự nhiên.

 

Thành viên Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Thái tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố, truyền dạy nghề đan lát cho người dân.

Có số dân đông thứ 3 toàn tỉnh, bên cạnh làm nương, khai hoang ruộng bậc thang và chăn nuôi gia súc, đồng bào dân tộc Mông còn giỏi rèn đúc nông cụ, se lanh dệt vải, làm giấy, chế tác khèn. Là người có nhiều năm gắn bó và có thu nhập ổn định từ nghề rèn truyền thống, anh Vàng A Nhà, bản Suối On, xã Kim Bon, huyện Phù Yên, có thể rèn được nhiều loại nông cụ, song giỏi nhất là rèn dao. Anh cho biết: Mỗi ngày tôi rèn được 8 chiếc dao, hầu hết là bà con trong xã đến mua, với giá trung bình từ 100 đến 400 nghìn đồng/chiếc. Nguyên liệu là chiếc nhíp ô tô cũ, xích máy xúc, máy ủi, lưỡi máy cày... qua các công đoạn nung, cán, tôi, mài, sẽ trở thành những lưỡi dao cắt, chặt sắc, có thể thái thịt, cắt rau hoặc chặt cây gỗ cứng mà không hề quằn mẻ.

Khác với đồng bào Mông, người Thái thường chọn sinh sống ở những thung lũng, bãi bồi ven các con suối và trồng lúa nước trên lòng chảo màu mỡ, nên họ khá giỏi nghề trồng bông, dệt vải. Các sản phẩm thổ cẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và có mặt ở các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, là chuẩn mực của vẻ đẹp người phụ nữ cũng như hiện thân sự sung túc, no ấm, bình yên của bản làng.

Làm gốm cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Thái. Trong đó, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn được coi là trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái Đen tỉnh Sơn La. Ông Hoàng Văn Nam, chủ cơ sở làm gốm ở bản Nong Ten, xã Mường Chanh, cho biết: Trên địa bàn có loại đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt, phù hợp để làm đồ gốm, vì thế trước đây, nghề gốm khá phát triển. Lúc nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng làm gốm, tất cả các công đoạn từ giã đất đến tạo hình đều là thủ công với công cụ thô sơ. Lò nung gốm đốt bằng củi được đào sâu thành hầm nên gốm ra lò có độ chắc, bền cao, khó vỡ, ít rò rỉ, sản phẩm đạt chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, còn có nghề nhuộm vải, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày; nghề đan lát của đồng bào dân tộc Lào, Mường, La Ha, Kháng (Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai); Khơ Mú (Sốp Cộp, Sông Mã), Xinh Mun (Yên Châu); nghề làm giấy dó, nhuộm chàm, in sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục, dệt thắt lưng của đồng bào Dao (Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu)...

Phục hồi và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có các nghề thủ công truyền thống. Các địa phương trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao, trưng bày triển lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các dân tộc, tổ chức liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc. Một số nơi thành lập HTX, tổ hợp tác dệt thổ cẩm; duy trì các câu lạc bộ văn hóa dân tộc, trong đó có hoạt động truyền dạy nghề thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay một số nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, do việc truyền nghề chủ yếu theo kinh nghiệm của các nghệ nhân chứ không có giáo trình biên soạn; giới trẻ không mặn mà với nghề truyền thống; thiếu nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm thủ công. Bên cạnh đó, các sản phẩm làm ra khá thô sơ, không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp có mẫu mã đa dạng và giá cả phải chăng. Thu nhập từ nghề hạn chế, nên không khuyến khích được các thành phần kinh tế và người dân tham gia.

Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày, triển lãm, động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ... Qua đó, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới