Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông

Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, đề án, giải pháp nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Do đó đã hạn chế thấp nhất những hoạt động mê tín, dị đoan và những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp, giữ được bản sắc văn hoá truyền thống, tiếp thu và phát triển những giá trị văn hoá hiện đại, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

 

Du khách tham quan tại rừng thông bản Áng (Đông Sang, Mộc Châu) thuê trang phục dân tộc Mông chụp ảnh lưu niệm.

 

Dân tộc Mông sinh sống ở tất cả các huyện trong tỉnh, gồm 3 ngành chủ yếu là Mông trắng (Mông đơ), Mông đen (Mông đu), và Mông hoa (Mông lềnh). Dân tộc Mông có ngôn ngữ riêng, tiếng Mông thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Mông - Dao. Người Mông không có chữ viết truyền thống, Chính phủ đã phê duyệt bộ chữ Mông theo hệ La tinh, đưa vào dạy trong các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, đồng bào Mông cũng rất ủng hộ chữ viết này. Người Mông có nghề thủ công khá đa dạng như rèn, đúc dụng cụ, làm giấy bản, làm đồ đựng bằng gỗ, làm đồ trang sức từ bạc, trồng lanh lấy sợi dệt vải. Điều đặc biệt là dân tộc Mông bảo tồn tương đối tốt trang phục dân tộc, nhất là phụ nữ. Đến nay, phụ nữ người Mông vẫn thêu, dùng máy khâu, in sáp ong tạo hoa văn trên trang phục. Những ngày lễ, tết, họ mặc những bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất (trang phục dân tộc), đeo nhiều đồ trang sức để đi chơi. Tuy nhiên, cũng đã có sự giao thoa, biến đổi như dùng chất liệu công nghiệp (vải, chỉ thêu) để may trang phục nhưng kiểu dáng vẫn được giữ nguyên. Cách để tóc của phụ nữ 3 ngành Mông có sự khác biệt và cũng thể hiện bản sắc tộc người rõ nét: Phụ nữ Mông trắng thường cạo tóc quanh đầu, chỉ để một chỏm ở trên đỉnh đầu búi lên, ở trong nhà họ có thể để đầu trần, ra ngoài họ đội khăn hoặc mũ hình tháp nhọn; phụ nữ Mông hoa khi chải đầu thường lấy tóc rụng, se thành sợi, để thành búi to, khi đi đâu thường vấn thành vành tóc đó quanh đầu, họ quan niệm vành tóc càng to, càng đẹp; phụ nữ Mông đen búi tóc cao lên gần đỉnh đầu, họ có thể để tóc trần hoặc đội khăn màu đen hình tháp.

 

Về kết cấu nhà ở của đồng bào dân tộc Mông, nhà trệt, ba gian, thưng ván, lợp mái tranh, ngói hoặc ván. Nghi lễ trong việc làm nhà như chọn đất, chọn hướng, chọn gỗ được coi trọng và họ còn rất quan tâm tới việc bảo tồn các nghi lễ liên quan đến ngôi nhà. Nói chung về nhà ở truyền thống của đồng bào Mông vẫn được bảo tồn tương đối tốt, ít có sự biến đổi. Bên cạnh đó, ở các bản người Mông sinh sống các luật tục được xây dựng thành hương ước, quy ước để cả bản cùng thực hiện. Qua đó, các chuẩn mực đạo đức vẫn được giữ gìn như: Kính trên, nhường dưới, kính người già, yêu trẻ nhỏ; tôn trọng những người trưởng họ, già làng, thầy mo; thanh niên đến tuổi lấy vợ, lấy chồng được truyền dạy các nghề thủ công truyền thống: Thêu, dệt, rèn, đan lát, các phong tục tập quán...  Tục cướp vợ thể hiện chủ yếu dưới hình thức tự nguyện, trai gái được tự do tìm hiểu, yêu nhau; tục tang ma không còn bắn súng kíp báo hiệu mà thông báo trên loa truyền thanh của bản, người chết để trong nhà ít ngày hơn. Tuy nhiên, một số hủ tục vẫn còn tồn tại ở một số vùng như: hôn nhân chưa đúng độ tuổi, hôn nhân cận huyết thống.

 

Trong nghệ thuật trình diễn dân gian, người Mông chỉ có một số làn điệu dân ca: Tiếng hát làm dâu, tiếng hát mồ côi; các bài nhạc của khèn, dùng để thổi nhạc tiễn người chết trong đám tang, nhưng hiện nay, người biết làm khèn và thổi khèn ngày càng ít đi nên việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này đang có nguy cơ mai một. Các điệu múa truyền thống của người Mông chủ yếu là múa tín ngưỡng: Múa khèn, múa ô... hiện nay, các điệu múa này đã được cải biên, nâng cao trở thành các bài múa biểu diễn trên sân khấu, chương trình của các đội văn nghệ quần chúng tại các bản. Người Mông sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống, họ dùng sáo, khèn môi thổi để tỏ tình; dùng chiêng, chũm chọe phục vụ các lễ cúng để thầy cúng giao tiếp với thần linh. Về lễ nghi truyền thống của đồng bào dân tộc Mông không có nhiều, chủ yếu là các lễ cúng dòng họ để cầu may, giải hạn; cầu mùa, cầu mưa, cúng đá, tết truyền thống. Ngoài ra, Sơn La còn có Lễ hội của các dân tộc vào Tết Độc lập 2/9, ngày Đại đoàn kết toàn dân 18/11...

 

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền làm cho người dân ý thức được và hiểu rõ những giá trị văn hóa mà các thế hệ của dân tộc mình đã sáng tạo ra. Qua đó, tự hào với các giá trị văn hóa, truyền dạy lại cho con cháu để bảo tồn và phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trong các bản người Mông, để các giá trị văn hóa truyền thống luôn được duy trì và phát triển trong chính đời sống của cộng đồng dân tộc Mông. Ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là đầu tư về công tác sưu tầm, phục dựng các lễ hội giàu tính nhân văn và mang đậm bản sắc của dân tộc Mông. Khuyến khích các đội văn nghệ của các bản người Mông duy trì hoạt động hiệu quả, sử dụng tiếng Mông và trang phục truyền thống trong các tiết mục biểu diễn, nhằm kích thích lòng tự hào dân tộc và cũng là biện pháp bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới