Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; những năm qua, Ngành Khoa học và Công nghệ của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu để giữ gìn, phát huy bản sắc giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc, khôi phục và phát triển lễ hội truyền thống, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa các dân tộc Sơn La đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Nhóm nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ

thủy điện Sơn La” giới thiệu các hiện vật được tìm thấy tại vùng lòng hồ.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 113 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 63 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh), 2 kho sách chữ Thái cổ được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu các đề tài về bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về bảo tồn di sản văn hóa đã được thực hiện, như: “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Địa chí Sơn La”; “Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”... Các ngành chức năng đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đối với 10 di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó có 7 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Chữ viết cổ dân tộc Thái; lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); nghệ thuật xòe Thái; lễ cúng dòng họ của người Mông; lễ Pang A của người La Ha; nghi lễ Cấp sắc của người Dao; nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mộc Châu. Cùng với đó, nhiều di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, thu hút được hàng nghìn lượt người tham quan, học tập góp phần vào việc giáo dục truyền thống, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

 

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ các hiện vật thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân. Năm 2015, Bảo tàng tỉnh thực hiện Đề tài “Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu biên soạn các công trình chuyên khảo, phục chế, bảo quản các di tích và di vật của 12 di chỉ sau khai quật ở lòng hồ thủy điện Sơn La nhằm phác thảo diện mạo giai đoạn Tiền sử và Sơ sử tỉnh Sơn La; tiến hành bảo quản những hiện vật dễ hư hỏng, như: Đi cốt người, xương động vật, đồ gốm.

 

Công tác nghiên cứu, sưu tầm về lễ hội, lễ nghi, tín ngưỡng các dân tộc qua các đề tài được các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu và giới thiệu khá chi tiết nhằm đánh giá thực trạng, từ đó đề ra được các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Điển hình là Đề tài “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì đã nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại tỉnh Sơn La trong mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc và trong cả nước để đối chiếu, so sánh lựa chọn, đưa ra những giải pháp khả thi nhất, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái. Cùng với đó, nhiều lễ hội, lễ nghi, văn học, chữ viết, nghệ thuật, tín ngưỡng các dân tộc được sưu tầm, phục dựng và bảo tồn. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được phục dựng, như: Xên Mường, Xên bản, Xên hươn, Xên lảu nó, Kin Pang Then, Xên So phôn (cầu mưa), Hết Chá, Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái; Lễ Tu su, Lễ hội Nào sồng của đồng bào dân tộc Mông; Tết Thanh minh, Lễ lập tịnh, Tết Nhảy của dân tộc Dao; Lễ hội Mợi, Hội xuống đồng của dân tộc Mường... đã trở thành tài sản vô giá của các dân tộc, địa phương trong tỉnh. 

 

Các đề tài nghiên cứu khoa học gắn liền với đời sống thực tiễn, đề cập đến văn hóa có ý nghĩa cấp thiết trong đời sống đồng bào, góp phần xây dựng luận chứng, luận cứ phù hợp, làm cơ sở cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đề xuất các giải pháp bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa của các dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

Ánh Nguyệt (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới