Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc

Ngày 22/12/2021 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3404/QÐ-BVHTTDL phê duyệt đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030". Ðây là một hoạt động thiết thực nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong cộng đồng.

Biểu diễn Xòe Thái. Ảnh: TTXVN

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các địa phương nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, phổ biến các loại hình diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, nguy cơ mai một, thất truyền các loại hình này đang ngày càng lớn. Nhiều hình thức diễn xướng truyền thống của đồng bào các dân tộc thậm chí đã biến mất trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Nguyên nhân là những nghệ nhân nắm giữ kiến thức về các giá trị loại hình nghệ thuật cổ truyền đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ không dành thời gian, không đủ tâm huyết, lòng say mê để nghiên cứu, học hỏi, gìn giữ, duy trì truyền thống văn hóa của cha ông để lại. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến cho không gian diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số bị thu hẹp, những làn điệu dân ca, những điệu múa cổ của đồng bào không có nhiều cơ hội để đến với người nghe, người xem. Sự du nhập của văn hóa nước ngoài trong quá trình đô thị hóa cũng làm cho các giá trị truyền thống bị biến tướng, không còn thể hiện rõ bản sắc dân tộc như nó vốn có.

Mặc dù tiềm năng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, dân ca, dân nhạc, dân vũ nói riêng là rất lớn, nhưng trong những năm qua, việc đưa các giá trị này vào những hoạt động gắn với du lịch còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng giá trị, tiềm năng của dân ca, dân vũ, dân nhạc, do đó chưa tận dụng hiệu quả tài nguyên văn hóa này trong các sản phẩm du lịch. Những sản phẩm du lịch khai thác giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc cũng chưa thật sự tạo điểm nhấn, bản sắc riêng biệt để mời gọi du khách trong nước và quốc tế.

Ðề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021-2025, giai đoạn 2 từ 2026-2030. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có tới 80% số di sản văn hóa phi vật thể liên quan dân ca, dân vũ, dân nhạc được tư liệu hóa lưu giữ và phổ biến đến cộng đồng các dân tộc thiểu số, có ít nhất 90% số công chức, viên chức văn hóa, các nghệ nhân, người uy tín được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, có 600 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.

Ðề án được hy vọng sẽ tác động lớn đến hoạt động phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch dân tộc học, du lịch nông thôn và miền núi… để các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được khai thác hiệu quả, vừa để bảo tồn, vừa góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới