Bản Nà Dạ giữ rừng xanh

“Thực hiện mô hình dân vận khéo, Ban Quản lý bản Nà Dạ, xã Chiềng On đã huy động được nhân dân cùng tham gia trồng và bảo vệ rừng. Nhờ đó, 18 năm nay, diện tích rừng ở bản Nà Dạ, xã Chiềng On (Yên Châu) luôn được giữ vững, không xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép” - Đồng chí Thào Thị Mai Anh, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Yên Châu, chia sẻ.

                                       

Nhân dân bản Nà Dạ tham gia bảo vệ rừng. 

             

Chúng tôi xuất phát từ trung tâm thị trấn Yên Châu, vượt hơn 30 km đường dốc ngoằn ngoèo đến bản Nà Dạ, xã Chiềng On để “thực mục sở thị” những cánh rừng nơi đây. Qua câu chuyện với ông Vì Văn Trung, Bí thư chi bộ bản, chúng tôi được biết, Nà Dạ có 176 hộ, 804 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Xinh Mun. Trước kia, rừng ở Nà Dạ cũng đã có rất nhiều, nhưng vào thập kỷ 90, người dân phá rừng làm nương, lấy gỗ dựng nhà, nhiều cây gỗ to bị đốn hạ dẫn đến đồi trọc, đất đai bị xói mòn, bạc màu rồi xảy ra lũ ống thường xuyên gây thiệt hại mùa màng, nguồn nước của bản cũng bị cạn kiệt; vào mùa khô hay xảy ra cháy rừng. Trước thực trạng đó, cấp ủy, Ban Quản lý bản đã tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã tổ chức họp dân để tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR, tác hại của việc chặt phá rừng; phát huy vai trò cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia giữ rừng; xây dựng quy ước, hương ước về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bản quy định rõ: Nghiêm cấm hành vi chặt, phá rừng; muốn khai thác gỗ làm nhà phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương, kiểm lâm phụ trách địa bàn; nếu tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt.

             

Năm 2002, khi có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, bản đã nhận hơn 290 ha rừng tự nhiên để khoanh nuôi, bảo vệ. Vận động các tổ chức, đoàn thể, cùng nhiều hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, giúp nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong việc giữ rừng; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao khoán; kịp thời phát hiện các trường hợp xâm hại đến rừng... Với cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, giúp người dân hiểu rõ lợi ích từ rừng; từ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, bây giờ, đồng bào Xinh Mun bản Nà Dạ đã tích cực giữ rừng.

             

Đến thăm khu rừng trồng phòng hộ của gia đình ông Vì Văn Phóng, không khí thật thoáng mát, xung quanh là những cây thông to, cao vút được chăm sóc, bảo vệ tốt. Ông Phóng thông tin: "Gia đình tôi đã nhận khoanh nuôi, bảo vệ 4 ha rừng, trồng 2 ha rừng phòng hộ. Hằng năm, ngoài việc nhận tiền bảo vệ môi trường rừng, gia đình tôi còn được phép khai thác sản phẩm phụ từ rừng". Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng thông xanh mướt bao phủ khắp các sườn đồi của bản, Trưởng bản Vì Văn Thanh khoe: Khu rừng phòng hộ này đã 18 năm tuổi rồi. Năm 2002, bản đã vận động bà con trồng rừng, tuyên truyền cho dân thấy được lợi ích từ rừng. Để người dân tin tưởng, đảng viên trong Chi bộ đã gương mẫu đi đầu thực hiện trồng rừng. Tiêu biểu có ông Vì Văn Luống (hiện là Phó Bí thư chi bộ, người có uy tín của bản), với cương vị Trưởng bản Nà Dạ (năm 2002) đã tiên phong trồng 1,7 ha thông; sau đó 29 hộ trong bản cũng học tập và tham gia trồng 16,5 ha. Từ năm 2004-2006, nhiều hộ dân trong bản đã xung phong tham gia trồng rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng ở bản lên 348 ha. Toàn bộ diện tích đất đồi, núi trọc của bản trước đây giờ đã được phủ xanh.

             

Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, bản còn phối hợp với các bản lân cận tích cực tuyên truyền người dân bảo vệ rừng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn khi đốt nương; xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn lực lượng, dụng cụ chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Vào dịp cuối năm, bản còn tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các hộ làm tốt công tác bảo vệ rừng; kịp thời động viên, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Cũng nhờ bảo vệ rừng tốt, từ năm 2002 đến nay, bản không còn hiện tượng sạt lở đất, lũ ống; không còn thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On, đánh giá: Nhờ cán bộ, đảng viên khéo tuyên truyền, vận động mà công tác chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng ở Nà Dạ có sự chuyển biến đáng kể; tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhưng bà con nơi đây không phá rừng làm nương; dân bản tích cực trồng rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương. Nà Dạ hiện là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã.

             

Tạm biệt những cánh rừng ở Nà Dạ, chúng tôi hiểu rằng, rừng được bảo vệ xanh tốt, cảnh quan môi trường được giữ vững chính là những “trái ngọt” dành cho những nỗ lực của những cán bộ, đảng viên, người có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong bảo vệ, phát triển rừng. Tin tưởng rằng, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của bà con Nà Dạ, những cánh rừng nơi đây sẽ mãi xanh tươi.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới