Bạn của nhà nông

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn hướng về cơ sở, triển khai và nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, giúp bà con nông dân tiếp cận và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, theo hướng bền vững, thực sự là người bạn của nhà nông.

Một góc khu du lịch sinh thái Mộc Sương.

Cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh đi kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi vịt sinh sản tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu), chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa công việc của đội ngũ cán bộ khuyến nông đối với bà con nông dân. Suốt 6 tháng triển khai mô hình, quy mô 1.300 con vịt bầu đen với 13 hộ tham gia, luôn có cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn các hộ áp dụng kỹ thuật nuôi vịt an toàn. Đến nay, mô hình đã thành công, tỷ lệ sống đạt 93%, trọng lượng khoảng 2,0-2,5 kg/1 con, vịt chuẩn bị đẻ trứng. Mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn đến tham quan, học tập.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình, ông Lò Văn Hinh, bản Tạng Phát, xã Chiềng Pha, cho hay: Gia đình tôi được chọn tham gia thực hiện mô hình, được hỗ trợ 1.000 kg thức ăn chăn nuôi hỗn hợp và vật tư thú y phòng bệnh, được tập huấn kỹ thuật. Trước đây, gia đình tôi nuôi vịt thả rông ngoài ruộng, mương, không tiêm vắc xin phòng bệnh nên đàn vịt hay bị bệnh, chết nhiều, vịt chậm lớn. Nhờ sự hướng dẫn tỷ mỷ của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi đã biết áp dụng kỹ thuật nuôi vịt an toàn, đàn vịt phát triển khỏe mạnh, tháng này đẻ trứng. Chúng tôi sẽ duy trì mô hình, kết hợp với nuôi khoảng 200 con gà và nuôi trâu bò vỗ béo, mỗi năm lãi khoảng 80 triệu đồng từ chăn nuôi.

Mô hình ở xã Chiềng Pha chỉ là một trong rất nhiều mô hình hiệu quả do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trong những năm qua. Riêng năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 1 chương trình khuyến nông và 5 mô hình khuyến nông từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, gồm: Chương trình truyền giống nhân tạo bò, quy mô 1.800 con trên toàn tỉnh; mô hình nuôi vịt sinh sản, quy mô 1.300 con tại xã Chiềng Pha; mô hình thâm canh xoài an toàn, quy mô 8 ha tại 4 huyện Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn và Mường La; mô hình tưới ẩm cho cây ăn quả, quy mô 4 ha tại huyện Sông Mã và Yên Châu; mô hình nuôi ong mật chất lượng, quy mô 200 đàn, tại huyện Quỳnh Nhai và Sốp Cộp; mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ, quy mô 8,5 ha tại xã Yên Sơn (Yên Châu) và xã Mường Sang (Mộc Châu).

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các dự án khuyến nông Trung ương triển khai 5 mô hình, gồm: Ghép cải tạo nhãn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, quy mô 2 ha tại xã Chiềng Cang (Sông Mã); trồng thâm canh cây mắc ca, quy mô 45 ha tại xã Chiềng Dong và Chiềng Ve (Mai Sơn); canh tác ngô bền vững trên đất dốc, quy mô 10 ha tại xã Mường Lựm (Yên Châu); thâm canh xoài an toàn, quy mô 4 ha, tại xã Mường Bú (Mường La) và xã Nà Nghịu (Sông Mã). Phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị với quy mô 30 ha tại xã Quang Huy (Phù Yên). Ngoài ra, còn tích cực hợp tác quốc tế về khuyến nông để tiếp thu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới cho nông dân, như: Phối hợp với Dự án JICA thực hiện mô hình thâm canh ngô, tại xã Mường Cơi (Phù Yên); thâm canh Lúa SRI, tại xã Chiềng Khoa (Vân Hồ); mô hình sản xuất đậu tương, tại xã Chiềng La (Thuận Châu); sản xuất rau GAP cơ bản, tại xã Cò Nòi (Mai Sơn). Phối hợp với Dự án ICRAF - Dự án nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông sản và tiêu thụ sản phẩm (TEAL); nghiệm thu 1 nhà màng phơi cà phê tại bản Nghịu, xã Chiềng Chung (Mai Sơn); hợp phần Dự án “Phát triển sinh kế cho Phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất chè thông qua kết nối thị trường bền vững (T-LEAF) giai đoạn 2019-2021.

Các mô hình đều đạt kết quả tốt. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ về vật tư, giống, tập huấn kỹ thuật. Trong quá trình triển khai các mô hình, Trung tâm tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức cho các hộ nông dân trên địa bàn tham quan, học tập kinh nghiệm, đặc biệt là tổ chức hội thảo, đánh giá tổng kết mô hình để các hộ thấy được hiệu quả, từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất. Tiểu biểu như Chương trình truyền giống nhân tạo bò, với quy mô 1.800 con được triển khai toàn tỉnh, nhằm cải tạo tầm vóc, chất lượng thịt đàn bò, đồng thời giúp nông dân áp dụng các quy trình sản xuất nuôi bò theo hướng hàng hóa, đến nay đã phối giống nhân tạo 1.290/1.800 con bò, đạt 72% kế hoạch. Mô hình thâm canh xoài an toàn quy mô 8 ha, tại 4 huyện Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn và Mường La; năng suất bình quân 29-31 tấn/ha, đạt hiệu quả kinh tế từ 160-165 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được bán giá cao hơn so với các hộ khác từ 1.000-1.500 đ/kg, sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc. Mô hình trở thành điểm để các hộ nông dân trong vùng học tập và làm theo, mở rộng sản xuất, hướng tới các sản phẩm an toàn xuất khẩu...

Luôn đồng hành với nông dân, Trung tâm tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả; bám sát cơ sở, khảo sát nhu cầu tập huấn, xây dựng trình diễn và nhân rộng các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất thực tiễn ở địa phương và của các hộ dân, giúp nông dân đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm.

Minh Thu

(Trường Chính trị tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới