Bản Ấm giảm nhanh số hộ nghèo

Trong ký ức của nhiều người, bản Ấm (trước đây là Suối Ấm) từng là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Suối Bàng (Vân Hồ). Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, bà con nơi đây đã quyết tâm, nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy như chính cái tên của bản.

 

 

Người dân bản Ấm, xã Suối Bàng (Vân Hồ) chăm sóc vườn bí.

 

Từ trên cao nhìn xuống, bản Ấm nằm gọn trong một thung lũng, bao quanh là đồi núi điệp trùng. Những ngôi nhà mái lợp ngói đỏ tươi thấp thoáng trong màu xanh của những vườn cây trái, nhiều tuyến đường về bản và đường nội đồng, nội bản được bê tông hóa. Trưởng bản Quách Công Tiến chia sẻ: Bản có 102 hộ, gồm 5 dân tộc Thái, Mông, Mường, Kinh, Dao cùng sinh sống, trước đây sản xuất của người dân chủ yếu là cây ngô, cây lúa. Sau nhiều năm canh tác, đất nương bạc màu, cằn cỗi, đời sống gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, bản đã nhiều lần tổ chức họp dân để vận động, tuyên truyền cho bà con về mục đích, ý nghĩa của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đưa những giống cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương vào thay thế các loại cây trồng có năng suất thấp. Các đảng viên trong bản cũng tiên phong thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế và hướng dẫn bà con làm theo.

 

Đến nay, bản Ấm đã có hơn 50 ha cây ăn quả trên nương, với các loại cây có giá trị kinh tế, như: cam, bưởi, nhãn, xoài, mận..., một số hộ đang trồng thử nghiệm 13 ha bí trên đất ruộng. Từ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, một số hộ đã tham gia vào HTX nông nghiệp Suối Bàng để liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm cây ăn quả của địa phương. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sản phẩm quả ngày càng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng. Ngoài việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bản cũng tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cả bản có khoảng 300 con bò, 100 con trâu. Hầu như hộ gia đình nào cũng chăn nuôi, hộ nhiều thì 20-30 con, ít thì từ 3-5 con, bà con bảo nhau làm chuồng trại cho trâu, bò, vừa hợp vệ sinh, vừa thuận lợi chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.

 

Dẫn chúng tôi thăm một số mô hình kinh tế hiệu quả, Trưởng bản Quách Công Tiến phấn khởi nói: Mấy năm gần đây, năm nào trong bản cũng có 5-6 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Lường Văn Muôn trồng 2 ha xoài và nhãn, nuôi 20 con bò, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Gia đình ông Vì Văn Sướng cũng thu nhập hơn 120 triệu đồng/ năm nhờ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi trâu, bò và cùng với một số hộ trong bản góp tiền mua một chiếc xe tải để thu gom, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ.

 

Những hiệu quả kinh tế rõ nét của các hộ gia đình trên đã giúp bà con trong bản ngày càng tin tưởng vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, học hỏi kinh nghiệm để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu như 5 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn gần 70%, thì đến hết năm 2019 giảm còn 32%, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, bản còn quản lý, bảo vệ tốt trên 210 ha rừng; tính riêng năm 2019, bản đã nhận 117 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, được sử dụng vào việc xây dựng những công trình phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

 

Chia tay bà con bản Ấm, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh những người nông dân chăm chỉ lao động, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình. Với hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, cùng với nỗ lực của bà con, tin rằng bản Ấm sẽ từng ngày thay da đổi thịt, góp phần thay đổi diện mạo vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới