Bắc Yên tạo sinh kế cho hộ nghèo

Để đạt được mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, huyện Bắc Yên đã và đang đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho các hộ nghèo vươn lên, từng bước thoát nghèo bền vững.

 

 

Người dân xã Chiềng Sại (Bắc Yên) phát triển nghề đóng thuyền.

 

Thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế đúng đối tượng hộ nghèo, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã rà soát, thống kê và làm rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Đồng thời, phân loại hộ nghèo thành các nhóm: Thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu đất sản xuất; không biết cách làm ăn, không có tay nghề; thiếu lao động, đông người ăn theo; không có khả năng lao động và thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản... Qua đó, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm hộ nghèo. Đơn cử như đối với hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách thiếu đất sản xuất được cấp ủy, chính quyền xã vận động các hộ trong bản nhượng lại một phần đất sản xuất; với hộ nghèo có lao động nông thôn chưa qua đào tạo, được hỗ trợ đào tạo nghề; nhóm hộ thiếu vốn sản xuất, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và được hướng dẫn sử dụng đồng vốn hiệu quả… Ngoài ra, mỗi năm, huyện còn tổ chức khoảng 12 lớp tập huấn chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho người dân. Tạo sinh kế từ nông nghiệp cho hộ nghèo, từ năm 2018 đến nay, huyện Bắc Yên còn hỗ trợ trên 1.500 cây giống các loại như: Xoài, nhãn, bưởi da xanh... cho người dân trồng trên các diện tích trồng cây lương thực không hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có trên 200 ha cây ăn quả được trồng mới, nâng diện tích cây ăn quả của huyện lên hơn 800 ha. Riêng các xã vùng cao, được hỗ trợ cây giống và mắt ghép sơn tra để trồng, nâng diện tích cây sơn tra toàn huyện lên hơn 2.500 ha. Cùng với đó, người dân đã đưa các loại giống ngô mới, sắn cao sản vào trồng trên diện tích đất nương, sản lượng trên 4.400 tấn/năm.

 

Đồng chí Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Huyện đã lồng ghép nguồn kinh phí từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ cùng ngân sách của tỉnh và huyện để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đồng thời, xây dựng và phát triển một số mô hình kinh tế điểm, như trồng cây ăn quả, bảo tồn nghề truyền thống và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra, còn đầu tư trên 257 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân khoảng 4%/năm, đến cuối năm 2019, còn 22,7% hộ nghèo.

 

Bên cạnh đó, huyện đã kết nối để lao động địa phương có nhu cầu đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam tổ chức hàng trăm hội nghị tư vấn, tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi học và làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và Thái Nguyên... để lao động có nhu cầu đến làm việc, đã có hơn 6.000 lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định.

 

Chiềng Sại là một trong những xã làm tốt việc hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân. Đồng chí Đinh Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã thông tin: Trước khi các chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 hỗ trợ cho xã phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, trên 32%, năm 2016. Từ sự hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo cho người dân cây giống, con giống, nhiều hộ dân ở Chiềng Sại đã từng bước thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn gần 19%, đã có một số hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm.

 

Năm 2020, huyện Bắc Yên tiếp tục triển khai thực hiện 5 dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân. Các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo thoát nghèo của huyện Bắc Yên đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, là điều kiện tốt để huyện Bắc Yên phát huy các nguồn lực đầu tư cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới