Bắc Yên đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Về Bắc Yên hôm nay điều dễ nhận thấy là trên các nương đồi màu xanh của các loại cây ăn quả: Xoài ghép giống Đài Loan, nhãn ghép chín muộn, táo sơn tra ghép, mận hậu ghép... đang thay thế các loại cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả. Đặc biệt, một số mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, góp phần đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững.

 

Cán bộ xã Chiềng Sại (Bắc Yên) trao đổi với người dân về cách vận hành công nghệ tưới nhỏ giọt.

Chia sẻ với chúng tôi về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, ông Hà Văn Lỏn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 28/4/2016 về lãnh đạo sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững đến năm 2020. Trong quá trình thực hiện từ năm 2015 huyện lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới… với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân và các hợp tác xã thực hiện các dự án liên kết chuỗi, như: Phát triển sản xuất các sản phẩm quả xoài, nhãn chín muộn; sản xuất sản phẩm sơn tra; sản xuất sản phẩm chanh leo; phát triển sản xuất sản phẩm chè Shan tuyết Tà Xùa... Trên địa bàn huyện đã có 4 hợp tác xã được hỗ trợ 750 triệu đồng để áp dụng công nghệ mới và 7 hợp tác xã được hỗ trợ 740 triệu đồng thực hiện các dự án phát triển cây ăn quả, nuôi cá lồng, sản xuất rau, củ, quả theo Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh...

Để hỗ trợ nông dân áp dụng kiến thức, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã rà soát, tổng hợp nhu cầu của người dân để có kế hoạch mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Theo đó, mỗi năm đã mở 3-4 đợt tập huấn cho thành viên các HTX, tổ hợp tác và hàng trăm lớp tập huấn cho nông dân về lắp đặt, vận hành, sữa chữa sự cố hệ thống tưới nhỏ giọt, kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả, lai tạo đàn gia súc, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ...

Tìm hiểu được biết, từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật sản xuất của cơ quan chuyên môn, hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Yên đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước quy mô 13,5 ha cây ăn quả tại 4 HTX: Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bảo Lâm; Xây dựng- Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chấn Yên; Dịch vụ nông nghiệp Anh Tú; Xây dựng - Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chiềng Sại. Nhờ vậy, một số hợp tác xã có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả, như: HTX Xây dựng - Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chấn Yên trồng 16 ha cây xoài, nhãn; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bảo Lâm với 10 ha cây xoài, nhãn, bưởi, vải; HTX Sơn tra Nậm Lộng Hang Chú có 50 ha cây táo sơn tra... Bên cạnh đó, nhân dân ở các xã đã ứng dụng ghép mắt và trồng một số loại cây ăn quả, rau, hoa, dược liệu... giống mới có hiệu quả kinh tế cao, với tổng số 5.608 ha, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.

Bên cạnh đó, từ tiềm năng, thế mạnh về diện tích đất chăn thả tại các phiêng bãi, sườn đồi, huyện đã chỉ đạo các xã trong huyện phát triển chăn nuôi bò, dê, lợn địa phương theo hướng chăn nuôi tập trung, gia trại, kết hợp với chăn nuôi có sự quản lý, chăm sóc như: Trồng cỏ lấy thức ăn cho gia súc, cải tạo đàn gia súc bằng giống lai, thu gom phế phẩm nông nghiệp tích trữ làm thức ăn chăn nuôi, ủ chua thức ăn chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh... Hướng tới phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững. Hiện nay, toàn huyện có trên 82.993 con gia súc và 175.050 con gia cầm, sản phẩm chăn nuôi đã và đang trở thành hàng hóa.

Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xã. Đẩy mạnh việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động hiệu quả, nhằm liên kết các hộ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm nghiệp; tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm. Đăng ký, tạo thương hiệu cho sản phẩm, hỗ trợ nhân dân sản xuất theo quy trình VietGAP... từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường...

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới