An toàn thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng

Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cơ bản được quản lý tốt. Ý thức, trách nhiệm của các hộ, cơ sở, HTX, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đã được nâng lên. Bởi có một thực tế, nông sản hàng hóa kém chất lượng, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm thì cũng chỉ “qua mặt” được người tiêu dùng một lần, rồi bị tẩy chay và đặc biệt không thể “chen chân” vào được các siêu thị, nhà hàng lớn khi có hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt. Chính vì vậy, muốn sản xuất hiệu quả thì vấn đề an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, là yếu tố sống còn của các hộ, cơ sở, HTX, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. Nhiệm vụ đặt ra là thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững, như: VietGAP; GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn. Mở rộng sản xuất vùng tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Từng bước số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến, sơ chế, bán buôn, bán lẻ nông, lâm, thủy sản.

Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối, trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ sản phẩm nông sản; hoàn thiện chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản. Lồng ghép các nguồn vốn và thu hút vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, gia tăng giá trị.

Triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng an toàn thực phẩm của Việt Nam và thị trường nhập khẩu cho tất cả các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên giám sát, đánh giá và tuyên truyền nguy cơ an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế. Quản lý tốt chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Phổ biến thông tin thị trường quy định về chất lượng an toàn thực phẩm để người sản xuất, người tiêu dùng nắm rõ và thực hiện.

Hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là các tiến bộ kỹ thuật liên quan đến nâng cao chất lượng giống, áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, sạch, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Thiết lập và vận hành hệ thống tự kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất cùng với sự tham gia giám sát của cộng đồng.  Hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước.

Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản từ tỉnh đến cấp huyện; cập nhật thường xuyên pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực thi pháp luật cho cán bộ; chuẩn hóa các hoạt động quản lý Nhà nước: giám sát, thẩm định, chứng nhận, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm... Tổ chức thực hiện các chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận, giám định phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội ngành hàng trong đào tạo, tập huấn cho hộ nông dân, HTX trong việc tự kiểm soát và giám sát cộng đồng về chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá sản phẩm chất lượng, an toàn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới