9X “đánh thức” tiềm năng du lịch vùng cao

Là 1 trong 5 thanh niên tiêu biểu của tỉnh Sơn La được tuyên dương tại Ðại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020, anh Thào A Dinh, sinh năm 1997, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Du lịch sinh thái Khủng Long, xã Háng Đồng (Bắc Yên) là người dám nghĩ, dám làm “đánh thức” tiềm năng du lịch ở vùng cao.

Anh Thào A Dinh (bên phải) giới thiệu sản phẩm chè cho du khách.

Từ trung tâm thị trấn Bắc Yên, vượt hơn 30 km đường đèo dốc quanh co qua những sườn núi, chúng tôi có mặt tại bản Chống Tra, xã Háng Đồng, tìm gặp anh Thào A Dinh. Sau vài câu chuyện xã giao và thưởng thức chén nước chè đặc sản vùng cao, anh Thào A Dinh tâm sự: Năm 2018, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, vừa hay “sống lưng khủng long” của xã Háng Đồng trở thành điểm du lịch mới, thu hút du khách yêu thích “săn mây” và trải nghiệm vùng cao. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, cùng sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, tôi và 7 đoàn viên thanh niên trong xã quyết định liên kết thành lập HTX Nông nghiệp - Du lịch sinh thái Khủng Long. Cùng với nguồn vốn khoảng 150 triệu đồng do các thành viên đóng góp, chúng tôi đã vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bắc Yên để đầu tư phát triển dịch vụ du lịch.

Phát huy sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Thào A Dinh đã cùng các thành viên HTX tận dụng những căn nhà gỗ truyền thống của địa phương để thiết kế nhà nghỉ cộng đồng, phòng nghỉ riêng, trang trí các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông, đảm bảo các tiện nghi đáp ứng nhu cầu của du khách. HTX cũng mở thêm các dịch vụ phục vụ ẩm thực dân tộc, cho thuê trang phục, phân công 4 thanh niên trực tiếp làm hướng dẫn viên đưa du khách trải nghiệm, khám phá... Chủ động liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá về tour du lịch đến Háng Đồng. Trung bình mỗi năm, HTX đón khoảng 1.200 lượt khách, doanh thu gần 600 triệu đồng. Với lượng du khách ngày một cao, HTX đang đầu tư xây dựng 1 homestay và tăng thêm phòng nghỉ với thiết kế mới, tiện nghi hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến nay, HTX có 4 nhà nghỉ cộng đồng và 10 phòng nghỉ riêng, đáp ứng 80 khách/ngày.

Không chỉ kinh doanh dịch vụ du lịch, HTX còn là điểm thu mua các loại nông sản, như măng trúc muối ớt, thảo quả, sơn tra... của bà con ở địa phương, tạo sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch. Năm 2020, HTX đã thu mua khoảng 30 tấn măng trúc của bà con trong xã, đã sơ chế và xuất khẩu 23 tấn măng trúc sang thị trường Nhật Bản. Từ kinh nghiệm thực tiễn, anh Thào A Dinh còn chia sẻ, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế; tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 5 lao động là đoàn viên thanh niên với mức tiền công từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm theo thời vụ cho 12 thanh niên trên địa bàn.

Sau 3 năm nỗ lực khởi nghiệp, biến vùng đất khó thành điểm du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thào A Dinh trải lòng: Với đồng bào dân tộc Mông chúng tôi, việc thay đổi tập quán, nếp nghĩ, cách làm từng gặp rất nhiều khó khăn. Chính hiệu quả từ các mô hình thực tế đã giúp mọi người thay đổi tư duy, nhất là với lực lượng đoàn viên, thanh niên, những người trẻ, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ... Chúng tôi mong các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ, có thêm những chính sách ưu đãi để đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp và phát triển du lịch; tạo cơ hội, động lực nhân rộng và phát triển những mô hình hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con.

Qua câu chuyện của anh Thào A Dinh, chúng tôi thấy sự quyết tâm và sức sáng tạo của tuổi trẻ, tin rằng anh sẽ đưa HTX Nông nghiệp - Du lịch sinh thái Khủng Long ngày càng phát triển, góp phần đổi thay diện mạo ở xã vùng cao Háng Đồng.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới