“5 có, 5 không” làm đổi thay vùng cao Thuận Châu: Kỳ 2: Cuộc sống mới trên những bản vùng cao

Để thấy rõ sự thay đổi của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao Thuận Châu, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt qua những dãy núi trùng điệp, những cánh rừng xanh thẳm được bao phủ bởi những làn sương trắng dày đặc đến với bà con. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những chàng trai, cô gái dân tộc Mông đi xe máy, trên vai đeo lù cở chất đầy những sản vật vùng cao, súng sính trong bộ váy áo sặc sỡ để xuống chợ...

Trò chơi truyền thống ném pa pao của đồng bào dân tộc Mông xã Co Mạ (Thuận Châu).

 

Đẩy lùi hủ tục - Giữ vững an ninh

 

Trên đường đến các bản, các xã, chúng tôi không khỏi vui mừng khi biết được những hủ tục lạc hậu gắn liền bao đời trong đồng bào dân tộc Mông tại vùng cao Thuận Châu tưởng chừng không thể xóa bỏ, nay nhờ thực hiện cam kết “5 có, 5 không” đã có sự thay đổi đến lạ kỳ. Người Mông ở vùng cao Thuận Châu đã bảo nhau thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới, biết kết hợp giữa lễ cưới truyền thống với lễ cưới văn hóa, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Việc cưới xin được tổ chức theo Luật Hôn nhân gia đình, không ép hôn, tảo hôn, không thách cưới bằng bạc trắng; việc tổ chức ăn uống hai bên gia đình đều gọn nhẹ; tục bắt vợ, ép cưới đã chấm dứt. Cùng với đó, những tín ngưỡng văn hóa mang bản sắc dân tộc Mông tiếp tục được duy trì và phát triển, mê tín dị đoan cũng từng bước được xóa bỏ, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém.

Chả thế mà khi đến xã Pá Lông tìm hiểu quá trình thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, đồng chí Ly Sếnh Chứ, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi khoe: Nhờ thực hiện cam kết mà các dòng họ trên địa bàn xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo. Tiêu biểu như dòng họ Ly ở bản Tinh Lá không chỉ bỏ được những hủ tục lạc hậu mà đang là dòng họ thực hiện tốt phát triển các mô hình kinh tế, dòng họ đã họp bàn, thống nhất lựa chọn những cây trồng mới phù hợp như trồng cây sơn tra, sa nhân, khai hoang ruộng nước để phát triển kinh tế, nhờ đó 70 hộ trong dòng họ không còn hộ đói, số hộ khá, giàu ngày càng tăng...

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Co Tòng (Thuận Châu) tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ.

Không chỉ đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mà việc học của con em đã được các gia đình, dòng họ người Mông thực sự quan tâm, không phân biệt là con trai, con gái, cứ đến tuổi đi học là được đến trường. Điều này, được minh chứng qua con số hết sức ấn tượng khi 19 dòng họ đồng bào dân tộc Mông trong toàn huyện đã thành lập được 19 chi hội khuyến học. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng lên, số học sinh tiểu học, THCS, THPT ngày một tăng, nhiều con em các dòng họ đang công tác tại trung ương, tỉnh, xã... Nổi bật, có thể kể đến dòng họ Thào, xã Long Hẹ, một dòng họ hiếu học tiêu biểu của huyện Thuận Châu. Hiện nay, dòng họ Thào có 152 hộ và một số người con của dòng họ học hành thành đạt đang sinh sống ở thị trấn, thành phố nhưng thường xuyên về thăm quê ủng hộ cho quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ. Càng tự hào hơn khi dòng họ hiện có 21 người đang công tác tại xã, 16 người công tác tại huyện, 12 người công tác tại tỉnh, trung ương, trong đó, 6 người học trên đại học, 40 người học đại học, 60 người học cao đẳng và trung cấp. Không chỉ là tấm gương cho các dòng họ trong xã noi theo, họ Thào còn là dòng họ tiên phong xóa bỏ tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”. Bởi có thời, người dân ở xã mang nặng tư tưởng coi thường phụ nữ, con gái Mông lớn lên phải lấy chồng, chăm sóc con cái. Đây được coi là mốc lịch sử quan trọng thể hiện sự quyết tâm của họ Thào và chính quyền xã Long Hẹ trong thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ, đến nay 100% các em gái người Mông trong độ tuổi đi học được đến trường. Già làng Thào Giống Sếnh, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học dòng họ Thào thông tin: Chúng tôi luôn động viên, tạo điều kiện tốt nhất để con cháu được học đến nơi, đến chốn. Bởi, càng học nhiều thì càng có nhiều kiến thức, lúc đó cái đầu suy nghĩ làm việc gì cũng dễ dàng, nhất là việc áp dụng kiến thức khoa học tiên tiến trên sách, báo vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, không còn đói nghèo. Các hộ trong dòng họ cũng thống nhất đóng góp 300 nghìn đồng/ hộ để tổ chức các hoạt động của dòng họ và khen thưởng các cháu học giỏi, hỗ trợ phần nào cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Càng mừng hơn, bây giờ về vùng cao Thuận Châu, những loại cây trồng mới mang hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng. Tình trạng trồng cây thuốc phiện, buôn bán vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn giảm hẳn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Cùng với đó, hệ thống chính trị tại các xã được củng cố tăng cường, đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, tạo bước phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng -  an ninh trên địa bàn.

 

Những mô hình kinh tế hiệu quả

 

Người dân xã Long Hẹ (Thuận Châu) thu hái sơn tra.

 

Một điểm nổi bật khi thực cam kết “5 có, 5 không” được đồng bào dân tộc Mông ở Thuận Châu thực hiện, đó là xóa bỏ cây thuốc phiện bằng những cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng cao; nhiều cây trồng mới đã mang lại hiệu quả như cây sơn tra, sa nhân, lúa nước hay những cây ăn quả trên đất dốc là chanh leo, bơ, xoài, nhãn đang bám rễ, vươn mình trên mảnh đất vùng cao hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân nơi đây. Cùng với đó, người dân tích cực đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, xây dựng bản làng no ấm. Đến thăm HTX Nặm Búa, bản Nặm Búa, xã Long Hẹ, ấn tượng với những cánh rừng trồng cây sơn tra sinh trưởng và phát triển tốt đang vào mùa thu hái. Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX bản Nặm Búa chia sẻ: Nhận thấy điều kiện khí hậu của Long Hẹ thích hợp với cây sơn tra, nên khi thực hiên nội dung cam kết “5 có, 5 không” chúng tôi đã lựa chọn cây trồng này để phát triển kinh tế và để phát triển bền vững. Tháng 3/2017, chúng tôi đăng ký thành lập HTX Nặm Búa. Lúc đầu, HTX còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu hết giá trị kinh tế của việc trồng rừng bằng cây sơn tra; diện tích rừng trồng cây sơn tra của HTX lại nằm xen kẽ với nương ngô, lúa của người dân nên rất khó quản lý và bảo vệ. Các thành viên của HTX phải đi từng gia đình vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và góp đất, góp vốn mở rộng diện tích cây sơn tra.

Tìm hiểu được biết, khi mới thành lập, HTX chỉ có 10 thành viên, diện tích sơn tra mới chỉ có 5ha, HTX đã tổ chức thành các nhóm sản xuất bao gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ, cử các thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm. Đặc biệt, nhiều thành viên HTX là ĐVTN trong xã vừa tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học nên việc áp dụng  khoa học kỹ thuật vào canh tác, các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được HTX chủ động giải quyết. “Tiếng lành đồn xa” chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát triển lên 122 thành viên của nhiều bản trong xã Long Hẹ. Hiện nay, HTX có diện tích cây sơn tra lớn nhất của huyện Thuận Châu với 177 ha, trong đó 79 ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, HTX trồng thí điểm 2 ha cây sa nhân; gần 150 ha cây thông; 10 ha chanh leo; 5 ha xoài và phát triển chăn nuôi, đàn trâu, bò của HTX có gần 200 con. Từ đầu năm đến nay, HTX thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi thành viên từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, ngoài ra tạo việc làm cho 20-25 lao động địa phương... Tuy là HTX đầu tiên được thành lập ở xã vùng cao nhưng mô hình trồng cây sơn tra ở HTX bản Nặm Búa bước đầu có hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới từ việc trồng, chăm sóc theo quy trình, sơ chế bảo quản, đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nơi đây.

Không chỉ biết liên kết các hộ trong lao động sản xuất như HTX Nặm Búa, nhiều hộ dân ở vùng cao Thuận Châu còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, chăn nuôi. Vượt qua những quả đồi cheo leo dốc núi, chúng tôi có mặt tại trang trại của gia đình anh Và Giống Hờ, bản Co Mạ, xã Co Mạ, thật bất ngờ khi giữa những núi đồi trùng điệp lại xuất hiện một trang trại được xây dựng rất khoa học để trồng ngô, trồng cỏ voi, khai hoang lúa nước; nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá. Kể về quá trình phát triển kinh tế, anh Hờ cho biết: Trang trại rộng 6 ha, ngày trước, chỉ biết trồng lúa nương theo kiểu “chọc lỗ tra hạt”, đồi dốc, đất bị xói mòn, bạc màu, năng suất lúa thấp, quanh năm thiếu đói. Từ ngày được cán bộ, dòng họ vận động thực hiện cam kết “5 có, 5 không” tôi nghĩ muốn thực hiện tốt các nội dung của cam kết trước hết phải “no cái bụng”. Tôi bàn với gia đình chuyển đổi sang trồng ngô lai để bán và lấy thức ăn phục vụ chăn nuôi. Tận dụng nguồn nước có sẵn khai hoang hơn 1.000 m² ruộng bậc thang để trồng lúa nước và đào hơn 1.000 m² ao để thả cá. Hằng năm, gia đình bán ra thị trường hơn 20 tấn ngô bắp; 2 con trâu, bò; 1 tấn cá và hàng tạ gia cầm, thu nhập trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi đang trồng hơn 1 ha chanh leo, hiện diện tích chanh leo phát triển tốt và đã bói quả.

Thật mừng khi biết mô hình kinh tế của gia đình anh Hờ chỉ là một trong nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả trên các xã vùng cao của Thuận Châu. Tiêu biểu như gia đình ông Sùng A Chè, bản Hua Luông, xã Co Mạ trồng 5 ha cây sơn tra và chăn nuôi đại gia súc thu hơn 100 triệu đồng/năm; ông Vừ A Thành, bản Pha Luông, xã Co Mạ trồng 1 ha cây chanh leo, nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; Thào Nhìa Tỏng, bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ tập trung chăn nuôi giống gà đen, lợn bản và nuôi cá cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; Vừ Giống Và, bản Há Khúa A, xã Co Tòng đào ao nuôi cá, trồng 1 ha cây ăn quả như nhãn, mận hậu và trồng lúa nước cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm... Đây là những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của các xã vùng cao Thuận Châu, tạo sức lan tỏa để bà con học tập, làm theo. Điều này được minh chứng bằng những con số rất ấn tượng với hơn 300 ha ruộng bậc thang, gần 2.000 ha sơn tra, 80 ha cây sa nhân, hơn 250 cây trồng mới như chanh leo, cây xoài, nhãn, bơ... Với cách nghĩ, cách làm mới, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, số hộ khá giả đang ngày càng tăng lên; hiện huyện có hơn 30% số hộ khá, giàu; tình trạng phá rừng làm nương, du canh, du cư đã giảm hẳn, người dân đã biết giữ đất, giữ rừng phát huy tiềm năng thế mạnh để làm giàu ngay trên chính quê hương.

Trong suốt hành trình đến với các xã vùng cao Thuận Châu, chúng tôi cảm nhận rõ những hiệu quả tích cực trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân vùng cao khi thực hiện cam kết “5 có, 5 không”. Câu nói của già làng Thào Giống Sếnh, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học dòng họ Thào như một lời khẳng định cho tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông: “Cái cam kết “5 có, 5 không” này tốt thật, nhờ thực hiện mà cuộc sống của bà con chúng tôi đang ngày càng nâng cao, cái bụng không còn lo bị đói, con cháu đến tuổi đều được đến trường, gia đình, bản làng no ấm, hạnh phúc”. Những cách làm hay trong thực hiện cam kết “5 có, 5 không” ở Thuận Châu cũng là kinh nghiệm cho các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc vùng cao.

Nhóm tác giả Thư Huyền Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới