10 năm không giải phóng được mặt bằng

Dự án đầu tư nhà văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc được Tổng Cục dự trữ Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 934/QĐ-TCDT ngày 22/10/2010. Ngày 29/7/2009, UBND tỉnh đã chấp thuận vị trí, địa điểm xây dựng tại bản Mé Ban, phường Chiềng Cơi, Thành phố. Song hơn 10 năm qua, việc triển khai giải phóng mặt bằng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, nên Dự án vẫn nằm trên giấy.

                                

Khu đất quy hoạch dự án tại bản Mé Ban, phường Chiềng Cơi (Thành phố) một số hộ dân tự ý xây dựng nhà ở.

           

Dự án đầu tư nhà văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, có thời gian thực hiện trong 3 năm 2010-2013, do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc làm Chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục: Nhà văn phòng chính; nhà công vụ; các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.427 m², kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, do trong quá trình thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công dự án, có 6 hộ không chấp thuận nhận tiền đền bù. Sau 3 lần niêm yết quyết định, 6 hộ có đơn tập thể kiến nghị về việc bồi thường, hỗ trợ và không nhận tiền, cho rằng đơn giá bồi thường quá thấp (492.900 đồng/m²), chênh lệch với giá trị thực tế khu đất thu hồi.

           

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông cho biết: Kiến nghị của các hộ dân, Hội đồng bồi thường đền bù, hỗ trợ và tái định cư dự án đã có văn bản trả lời. Qua xác minh, rà soát, toàn bộ khu đất bị thu hồi có nguồn gốc là đất ao nuôi trồng thủy sản. Năm 2008, các hộ san lấp để trồng cây, làm nhà, không được cấp có thẩm quyền cho phép cũng như chưa làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của Nhà nước, do vậy, toàn bộ khu đất được xác minh là đất ao nuôi trồng thủy sản.

           

Căn cứ Quyết định số 2940/QĐ-UBND ngày 31/12/2012 của UBND tỉnh và Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 15/4/2013 của UBND Thành phố, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã thực hiện áp giá đền bù theo đúng quy định cho đất ao nuôi trồng thủy sản là 16.000 đồng/m² và hỗ trợ đất nông nghiệp trong địa giới phường Chiềng Cơi theo mức hỗ trợ dự án kè, nạo vét, gia cố lòng suối Nặm La là 478.496 đồng/m². Vì vậy, kiến nghị của các hộ dân được bồi thường đất theo giá tương đương với giá đất nằm ở dọc trục đường Hoàng Quốc Việt là nằm ngoài quy định, chính sách của Nhà nước, không có cơ sở để giải quyết xem xét.

           

Sau nhiều năm không bàn giao mặt bằng, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc đã có kiến nghị đến UBND tỉnh và UBND Thành phố. Ngày 8/11/2019, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 395/TB-VPUB về tiến độ và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án nhà văn phòng của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND Thành phố phối hợp với chủ đầu tư các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đối thoại với 6 hộ chưa nhận bồi thường, hỗ trợ theo phương án giải phóng mặt bằng đã duyệt và hỗ trợ các hộ đã nhận bồi thường, hỗ trợ; xây dựng phương án, kế hoạch giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng triển khai dự án trước 31/12/2019. Tuy nhiên, đến nay, tại khu vực đất quy hoạch xây dựng nhà văn phòng Cục Dự trữ khu vực Tây Bắc vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng và còn phát sinh một số hộ tự ý dựng nhà ở, quán bán hàng.

           

Trước vướng mắc về bàn giao mặt bằng, ông Hoàng Minh Trúc, Phó Cục trưởng Cục dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, trao đổi: Đơn vị đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét, chỉ đạo UBND Thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp tiếp tục đối thoại, tuyên truyền, vận động các hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng để sớm triển khai dự án.

           

Để Dự án nhà văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc sớm được triển khai, xây dựng, đảm bảo hạ tầng thực hiện tốt chuyên môn, nhiệm vụ, đề nghị UBND Thành phố, các đơn vị chức năng quan tâm vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; tổ chức đối thoại về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện áp giá đền bù giải phóng mặt bằng và kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa đối với các trường hợp vi phạm, tránh để tình trạng dự án “treo” quá lâu.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới